Sự phát triển kinh tế xã hội của khu phố cổ Hà Nội

Thứ 5, 04/07/2019 | 10:47
970

1. Giai đoạn phát triển đầu tiên của Khu phố Cổ Hà Nội

Hà Nội là một đô thị phát triển bắt nguồn từ những “làng mạc có sẵn(1)”. Đến những năm 1980, khu vực nội thành vẫn còn bao bọc một số làng cổ nổi tiếng với những nghề thủ công truyền thống, trước khi những làng này bị đô thị hóa hoàn toàn trong nền kinh tế thị trường. Hà Nội đã từng được biết đến như là một thành phố có rất nhiều không gian mặt nước, nằm giữa ba dòng sông và cảnh quan thiên nhiên được kiến tạo bởi nhiều hồ và ao. Vào năm 1010, thành phố mang tên Thăng Long (Rồng bay lên), Vua Lý Thái Tổ quyết định đóng đô ở Thăng Long, sau một chuyến đi dài bằng thuyền dọc theo sông Hồng từ vùng đất bằng phẳng phía Nam, ngược lên phần trung tâm của một vùng đồng bằng đất đai phì nhiêu(2). Công trình xây dựng đầu tiên là Hoàng thành (gần Hồ Tây ngày nay), là nơi ở của Vua, Hoàng tộc và các quan lại trong Triều đình. Tiếp đó, các công trình tôn giáo được xây dựng, như chùa, đền và tháp. Bao quanh tòa thành là các khu ở phân bố rải rác, nơi mà cư dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp.

Khu phố Cổ được hình thành dưới triều nhà Lý (1009 – 1225). Ngay cả những lúc có chiến tranh và bị tàn phá, thành phố vẫn phát triển và trở nên thịnh vượng dưới triều Trần (1226 – 1400) và triều Hậu Lê (1428 – 1527).

Hình 1: Bản đồ Thăng Long và Hoàng Thành in năm 1490 dưới triều Hậu Lê

 

Khu phố Cổ nằm tại huyện Thọ Xương – Một đơn vị hành chính của xứ Bắc Kỳ (theo cách gọi phần lãnh thổ phía Bắc của Việt Nam của người Châu Âu). Bản đồ đầu tiên của khu Hoàng Thành được lập năm 1490 dưới triều Hậu Lê. Qua tấm bản đồ này có thể thấy rằng Hoàng Thành được sông và nhiều hồ ao bao bọc. Huyện Thọ Xuân được ghi chú ngay cạnh Hoàng Thành. Tuy nhiên, không có bất cứ một ký hiệu gì chỉ định vị trí của Khu phố Cổ trên bản đồ (vị trí đó để trống). Theo bản vẽ phác thảo của doanh nhân người Anh tên là Samuel Baron năm 1685, Khu phố Cổ đến cuối thế kỷ 17 đã phát triển thành một khu phố xá mua bán sầm uất và tươi đẹp bên bờ sông Hồng(3). Một nhà thám hiểm người Anh tên là William Dampier đã mô tả trong cuốn sách “Voyages and Discoveries” (Những chuyến đi và những điều khám phá) ấn hành tại London năm 1699: Khu phố gồm một vài tuyến phố có thể dài tới ba dặm với khoảng hai vạn ngôi nhà khang trang đẹp đẽ(4). Khu phố này cũng được Alexandre de Rhodes – một giáo sỹ người Pháp đi truyền đạo – tường thuật lại năm 1627 là rất tráng lệ và có thể được so sánh với Venice(5). Hà Nội đã được đo vẽ cẩn thận và chi tiết từ năm 1873 bởi các kỹ sư người Pháp nhằm chuẩn bị cho quân đội Pháp tấn công thành Hà Nội (Hình 1 và Hình 2).

Hình 2: Bản phác họa về Kinh thành Thăng Long do Samuelle Baron vẽ năm 1685

 

2. Khu phố Cổ thời Pháp

Bản đồ năm 1873 cho thấy một cấu trúc đô thị, trong đó Khu phố Cổ đã định hình trước khi có sự can thiệp về mặt quy hoạch và xây dựng của người Pháp. Đại đa số các đường phố không chạy thẳng, bởi vì đó là những đường làng xưa được đắp đất gia cố và dần dần được nâng cấp lên thành phố xá với bề mặt lát gạch nung. Đặc điểm này chứng tỏ rằng Khu phố Cổ được khởi nguồn từ các làng mạc cổ hơn thuộc huyện Thọ Xương và vẫn là một đô thị mang dấu ấn làng quê cho đến khi người Pháp bắt đầu đặt chân đến. Sau này, trong giai đoạn 1890 – 1902, người Pháp bắt đầu thay đổi mặt bằng tổng thể của Khu phố Cổ bằng cách nắn thẳng một số tuyến phố thành những trục chính. Như bản đồ thành phố lập năm 1873 đã chỉ rõ: Một vài ô phố đã có nhà ở kết hợp kinh doanh xây kín, trong khi đó một số ô phố khác hãy còn diện tích trống, dạng ao hoặc sân trong. Hầu hết các ô phố này đã được chia thành các lô đất dài và hẹp chạy dọc theo đường, nhà ở dạng cửa hàng rất phổ biến và thông thường được xây cất hai tầng. Nhà vườn phân bố rải rác dọc bờ sông và nằm phía ngoài các tuyến phố buôn bán tấp nập. Các công trình tín ngưỡng như chùa chiền và đền phủ miếu được xây dựng khắp nơi trong Khu phố Cổ. Tại đây cũng có một cộng đồng người Hoa sinh sống và kinh doanh với người Việt (Hình 3).

Hình 3: Bản đồ thành phố Hà Nội do các kỹ sư người Pháp lập năm 1873
Nguồn: Trường Viễn Đông Bac Cổ (Trung tâm Hà Nội) và Thư viện Quốc gia Việt Nam (trung tâm lưu trữ)

 

Loại nhà ở đặc trưng nhất trong Khu phố Cổ là nhà ống, sở dĩ có tên như vậy là do kích thước khác thường, chiều dài đạt tới 40 đến 50 m (thậm chí đôi khi lên đến 60 m) chạy sâu vào bên trong ô phố và chiều rộng thông thường chỉ từ 3 đến 4 m (tối đa là 6 m). Đa số các ngôi nhà nguyên bản được xây hai tầng. Tầng một có chiều cao khoảng 3 m, còn tầng trên cao tối đa 2,5 m. Một căn nhà điển hình thông thường được chia thành ba đến bốn khối, phân tách nhau bằng hai đến ba sân trong. Tỷ lệ chiều dài/chiều rộng nhà thường vượt quá 10/1. Tầng dưới bao gồm những phòng chức năng sau: Một cửa hàng phía trước với một gian kho kế tiếp, một sân trong được sử dụng làm xưởng gia công, một phòng khách ở giữa nhà, một sân trong nữa là chỗ cho trẻ con vui chơi, một phòng ăn kết hợp với nhà bếp, rồi đến một không gian mở để giặt và phơi quần áo, cuối cùng là một phòng tắm và một nhà vệ sinh. Tầng trên có hai đến ba phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình. Ở tầng trên của khối nhà đầu tiên phía trước, phòng ngủ thường đặt dịch ra phía sau so với gian bán hàng dưới tầng một. Cửa sổ của tầng trên chỉ được trổ khá nhỏ và không cao hơn phần đỉnh lọng che đầu của viên quan khi đi ngựa dọc theo tuyến phố (Hình 4).

Hình 4: Cấu trúc của một ngôi nhà ống truyền thống

 

Ngôi nhà ống cổ nhất còn gìn giữ được đến ngày nay là nhà số 47 phố Hàng Bạc, được xây dựng năm 1883. Những ngôi nhà ống nguyên bản khác mới chỉ được xây dựng cách đây khoảng 100 năm(6), trong khi lịch sử của khu phố này đã trải dài đến hơn 1.000 năm. Nhiều ngôi nhà đã bị cháy rụi, phá dỡ và được xây dựng lại nhiều lần trong quá khứ. Chỉ sau đó vài chục năm, những ngôi nhà này bị hư hại và phải dựng lại. Đến cuối thế kỷ 19, người Pháp đã đưa những công nghệ xây dựng tiên tiến và vật liệu xây dựng mới vào xứ Bắc Kỳ. Thời kỳ này, các quy định xây dựng ngặt nghèo thời phong kiến đã không còn áp dụng cho nhà ở trong Khu phố Cổ Hà Nội cũng như các đô thị khác trong vùng nữa. Do vậy, các nhà ống theo kiểu truyền thống đã lớn hơn và tiện nghi hơn. Mạng lưới đường phố và việc chia thửa đất trong các ô phố đã dần dần hoàn chỉnh, có thể thấy rõ trên bản đồ phát triển thành phố qua các năm sau: 1902, 1911, 1925, 1936 và 1943. Một phần của Khu phố Cổ đã bị tàn phá cuối năm 1946 và đầu năm 1947, khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất nổ ra(7). Sau khi người Pháp tái chiếm Hà Nội, họ đã cho xây lại tất cả các nơi bị phá hủy. Tiến trình xây dựng này tiếp diễn đến năm 1954, chỉ một thời gian ngắn trước khi quân đội Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ và phải rút về nước (Hình 5).

Trong vòng 30 năm đầu tiên của thời kỳ thuộc địa (1885 – 1914), người Pháp đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn Khu phố Cổ:

  • Khu phố Cổ với vai trò là hạt nhân lịch sử của đô thị Hà Nội vẫn hiện diện trong trạng thái nguyên vẹn nhất có thể. Trong khi đó, nhiều công trình di tích lịch sử ở các khu vực xung quanh, một phần Hoàng Thành đã bị phá dỡ để lấy chỗ xây dựng hai khu phố Pháp – một khu ở phía Tây và một khu ở phía Nam Khu phố Cổ. Qua đó, một sự kết nối hài hòa về mặt không gian về cảnh quan, công trình hiện có và công trình xây mới đã được tạo ra, trong đó sông Hồng là trục cảnh quan chủ đạo với hai hồ thơ mộng – Hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm – là vùng đệm;
  • Hạ tầng kỹ thuật của Khu phố Cổ được cải thiện và phù hợp với số lượng cư dân lớn hơn;
  • Trên các lô đất còn trống, hoặc tại những vị trí mà nhà ống truyền thống đã mục nát đổ sụp, các nhà phố kinh doanh theo kiểu kiến trúc thuộc địa đã được xây dựng. Các nhà phố Pháp này tương tự nhà ống về mặt cấu trúc và chức năng, chỉ khác biệt ở thiết kế mặt đứng và chi tiết trang trí, góp phần tạo nên sự đa dạng về mặt hình khối và phong cách kiến trúc trong khu phố cổ. Với các lô đất có chiều ngang 6 m, mặt tiền nhà kiểu kiến trúc thuộc địa được phân vị làm đôi, nhằm làm ngôi nhà hòa hợp với nhịp điệu của cả tuyến phố.
  • Để đảm bảo yêu cầu phòng cháy, tất cả các nhà ống và nhà phố kiểu thuộc địa được xây dựng bằng các vật liệu hoặc cấu kiện không bắt lửa như tường gạch, sàn hoặc nền bê tông và mái lợp ngói. Trước đó, hỏa hoạn thường xảy ra và gây nhiều thiệt hại cho nhà cửa trong khu vực.
  • Trên phần diện tích của cả một ô phố, người Pháp đã cho xây dựng chợ Đồng Xuân, cùng với các rạp chiếu phim và nhà hát, chủ yếu dành cho người Pháp lui tới cùng với một số người Việt có lối sống phương Tây (Hình 6 và Hình 7).

Hình 7: Nhà phố theo phong cách thuộc địa so sánh với Nhà phố theo phong cách truyền thống

 

Trong 30 năm tiếp theo (1915 – 1945), người Pháp duy trì nỗ lực bảo vệ Khu phố Cổ khỏi sự phát triển đô thị nhanh chóng từ hai khu phố Pháp bên cạnh tác động sang. Việc chia lô thửa trong các ô phố đã kết thúc. Số lượng nhà phố theo phong cách kiến trúc thuộc địa tăng lên đáng kể. Những căn nhà này đóng góp tích cực vào sự hiện đại hóa diện mạo của kiến trúc đô thị. Tuy vậy, nhà ống theo kiểu truyền thống vẫn luôn là một phần quan trọng của khu phố này. Đến năm 1954, sự phát triển về cơ bản đã hoàn chỉnh và cấu trúc Khu phố Cổ tại thời điểm đó không khác nhiều so với ngày nay. Một số nhà ở góc phố được xử lý theo mô hình của Châu Âu, với mặt đứng được vát góc để tầm nhìn tại các ngã tư tốt hơn và cũng nhằm đảm bảo an toàn giao thông (Hình 8).

Hình 8: Không ảnh chụp một góc Khu phố Cổ Hà Nội những năm 1920

 

3. Quá trình phân lô thửa và sự phát triển của một loại hình nhà ở

Khu phố Cổ ngày nay có diện tích khoảng 100 ha. Ranh giới của Khu phố Cổ được phân định một cách chính thức như sau:

  • Phố Hàng Đậu ở phía Bắc;
  • Phố Phùng Hưng ở phía Tây;
  • Phố Hàng Bông – Hàng Gai – Cầu Gỗ – Hàng Thùng ở phía Nam;
  • Phố Trần Quang Khải và phố Trần Nhật Duật ở phía Đông.

Tổng cộng có 76 tuyến phố và 84 ô phố trong Khu phố Cổ.(8) Bảy sáu tuyến phố này được mở theo bản quy hoạch giao thông đô thị từng bước có hiệu lực, với các mốc thời gian chính là những năm 1873, 1885, 1897, 1911 và 1940 (Hình 9).(9)

Hình 9: Sự phát triển theo thời gian của mạng lưới đường phố trong Khu phố Cổ Hà Nội

 

Trong thực tế, 84 ô phố rất khác nhau về kích cỡ cũng như hình dạng. Tuy nhiên, tất cả các ô phố này đều được chia nhỏ thành các lô thửa dài và hẹp mà không có bất kỳ ngoại lệ nào. Trong đó, nhà ống vẫn chiếm số lượng áp đảo. Tuy nhiên, có hai kiểu nhà ô phố như sau, xét về khía cạnh hình thái học:

  • Kiểu 1: Ô phố chữ nhật dài. Quá trình phân lô thửa được thực hiện dọc theo trục dài, từ hai tuyến phố chạy song song trên hai hướng chính, phát triển dần vào trong và tạo ra một đường ranh giới ở giữa. Tất cả các nhà có chiều sâu gần như đồng đều và lưng nhà áp sát nhau. Trong một số trường hợp, một ngôi nhà có thể chạy xuyên suốt ô phố, từ mặt phố này sang mặt phố kia, với chiều sâu nhà lên tới 60 m. Một ví dụ cho hình thái này là ô phố được bao quanh bởi bốn phố Lãn Ông, Hàng Cân, Hàng Bồ và Hàng Ngang (Hình 10a).
  • Kiểu 2: Ô phố gần vuông. Quá trình phân lô thửa được thực hiện từ cả bốn cạnh và phát triển dần vào giữa. Kết quả của các hệ thống nhà trực giao theo từng cặp là bốn đường chéo kiểu răng cưa từ bốn đỉnh chạy vào điểm giữa ô phố. Những nhà ở giữa có chiều sâu lớn nhất, từ mặt phố vào tận lõi ô phố. Một ví dụ cho hình thái này là ô phố được bao quanh bởi bốn phố Lãn Ông, Thuốc Bắc, Hàng Bồ và Hàng Cân (Hình 10b).

Ngoài ra, trong cùng một ô phố, những nhà ống quay về các hướng Đông, Đông Nam và Nam thường được xây trước và hẹp hơn các nhà còn lại theo hướng khác. Sau này, các yếu tố như phong cách kiến trúc, hoạt động kinh doanh hoặc lối sống mới có ảnh hưởng đến nhà ở (Hình 10).(10)

Hình 10: Sự phân chia thửa đất trong các ô phố – hai trường hợp nghiên cứu điển hình trong Khu phố Cổ
a. Ô phố dài và hẹp b. Ô phố gần vuông

 

Có thể thấy rõ rằng ngôi nhà ống trong Khu phố Cổ bắt nguồn từ nhà nông thôn với một khu vườn lớn ở sau nhà và một khoảng sân nhỏ phía trước. Những ngôi nhà thôn quê này được xây dựng dọc theo đường làng. Khi nghề thủ công và công việc kinh doanh bắt đầu phát đạt, người dân không sống dựa vào nông nghiệp. Khoảng sân phía trước nhà sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng thành một cửa hàng nhỏ và đường làng nhanh chóng trở thành phố thị. Có hai giả thuyết được đưa ra để giải thích cho sự hình thành và phát triển của nhà ống đô thị từ nhà kiểu thôn quê:

  • Giả thuyết 1: Một căn nhà nông thôn được sở hữu một phần bởi cha mẹ, phần còn lại được chia nhỏ ra thành các phần bằng nhau cho những người con trai, khi họ lập gia đình. Ở Việt Nam, theo truyền thống, người con trai cả sẽ sống cùng cha mẹ và phụng dưỡng họ, trong khi những người con trai khác sống quanh đó. Vì thế, ngôi nhà ban đầu sau này sẽ phát triển thành vài hộ gia đình, cùng sản xuất và kinh doanh một mặt hàng. Theo thời gian, số lượng nhân khẩu tăng lên và điều này dẫn đến nhu cầu diện tích ở cũng tăng tương ứng. Ngôi nhà có thể được xây dựng ngay một lúc hoặc dần dần từng khối một, từ mặt đường vào bên trong. Với vật liệu xây dựng đơn giản và có sẵn tại chỗ, chẳng hạn như tre và đất sét được nện chắc, các không gian sinh hoạt này được dựng lên để đáp ứng yêu cầu của người ở. Sau này, khi chủ nhà có điều kiện kinh tế khá hơn, ngôi nhà một tầng tranh tre nứa lá ban đầu sẽ được nâng cấp thành ngôi nhà hai tầng xây bằng gạch và gỗ.(11) Khi có một trong số những người con trai thứ dọn ra ngoài ở, căn nhà sẽ được nhượng lại cho một người họ hàng hoặc được bán lại cho người ngoài. Trong các ấn phẩm được xuất bản chính thức, quan điểm này từ lâu đã được coi là chính thống (Hình 11).
  • Giả thuyết 2: Các thư tịch cổ từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn (thế kỷ 15 đến thế kỷ 19) cho thấy rằng nguồn thu ngân sách chính của nhà nước phong kiến chủ yếu đến từ tiền thuế thu từ các hoạt động kinh doanh của thị dân. Mức tính thuế không căn cứ vào loại hình kinh doanh hoặc doanh số của cửa hàng, mà chỉ dựa vào chiều rộng của nhà phố kinh doanh. Để giảm tiền thuế và đảm bảo sự công bằng trong việc nộp thuế trong phạm vi một phường/hội kinh doanh hoặc làm nghề thủ công, các thửa đất được xây dựng được chia đồng đều, ấn định ở mức 3 đến 4 m chiều ngang, vừa đủ để một cửa hiệu quy mô nhỏ hoặc vừa hoạt động.(12), (13)Luận điểm này hiện nay đã được nhìn nhận là hợp lý hơn. Hai giả thuyết nói trên trùng nhau về cách thức ngôi nhà được mở rộng (Hình 12).

4. Sự biến đổi của Khu phố Cổ

Năm 1986 đã đánh dấu một bước chuyển biến lớn cho nhiều thành phố của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Khu phố Cổ Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. Chính quyền nhận ra rằng nền kinh tế bao cấp đã lỗi thời và không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển thực tế, do đó đã quyết định chuyển sang nền kinh tế thị trường, lĩnh vực kinh tế tư nhân được khuyến khích. Trước đây cũng như hiện nay, Khu phố Cổ luôn là trung tâm lịch sử – văn hóa của Hà Nội và cũng là điểm đến được ưa chuộng không chỉ đối với khách du lịch mà còn cả doanh nhân khắp thế giới. Các hoạt động kinh doanh trong nhà phố trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Nhà phố tự bản thân đã là một tài sản sinh lợi khổng lồ, hứa hẹn đem lại cho chủ nhân giá trị sử dụng lâu dài. Lĩnh vực kinh doanh đã chuyển đổi. Chỉ còn một số ít hộ còn tiếp tục nghề truyền thống. Cửa hàng bán đồ lưu niệm, khách sạn mini, hãng du lịch, tiệm ăn và quán cà phê phục vụ nhu cầu của khách du lịch, doanh nhân và cả người dân bản địa là những loại hình kinh doanh phổ biến và phát đạt. Chỉ riêng việc bán trà đá trên vỉa hè cũng đem lại một nguồn thu nhập khá cao. Một bà cụ đã 73 tuổi mở một quán trà đá vỉa hè từ 7h sáng đến 9h tối. Chỉ với vỏn vẹn 2 m2, đủ để kê một chiếc bàn nhỏ và vài chiếc ghế con, bà đã thu được 600 đô-la Mỹ hàng tháng – mức thu nhập này cao gấp đôi lương của một giảng viên đại học(14). Giá đất trong Khu phố Cổ cũng cao đến mức khó tin: 52.000 đô-la Mỹ/m2 trên các tuyến phố kinh doanh chính như Hàng Bông hoặc Hàng Đào, cao hơn cả khu Manhattan của New York hay khu trung tâm Tokyo(15). Trong khi đó, mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Hà Nội chỉ có 3.500 đô-la Mỹ/năm. Trong trường hợp này, nhà mặt phố và vỉa hè trong Khu phố Cổ Hà Nội thực sự là những con-gà-đẻ-trứng-vàng đối với rất nhiều người dân, và không có 1 m2 nào bị bỏ phí, cả bên trong lẫn bên ngoài nhà. Ngay cả khi điều kiện ở không thuận lợi, người dân nơi đây cũng không ai muốn dời đi đến nơi khác để sinh sống, mức thu nhập cao đã níu giữ họ ở lại. Tất cả các nỗ lực của chính quyền trong chuỗi kế hoạch giãn dân nhằm đưa một phần cư dân ở Khu phố Cổ sang một địa điểm mới tại Gia Lâm – bên kia sông Hồng – sinh sống đều không thành công.

Sự biến đổi của Khu phố Cổ trước hết và rất dễ nhận thấy là mật độ xây dựng đã cao hơn rất nhiều so với trước kia. Theo các số liệu ước tính hiện nay, mật độ cư trú là 840 người/ha.(16) Với một mật độ cư trú dày đặc như vậy, không thể đảm bảo tiêu chuẩn sống tối thiểu cho tất cả người dân. Trong một ngôi nhà ống điển hình, có thể có tới 10 hộ với 50 nhân khẩu sinh sống, cùng nhau chia sẻ không gian. Do bề ngang của lô đất khá hạn chế, xét thấy nhu cầu không gian sinh hoạt của người dân thường xuyên ở mức độ cao, các khoảng sân trong bị chiếm dụng trước tiên, cả hợp pháp lẫn không hợp pháp, được chuyển đổi thành không gian ở phụ thêm, bên cạnh không gian ở vốn có. Mật độ xây dựng tăng lên, trước kia từ 65 – 70% nay lên tới trên 90%(17) Tiếp đó, căn nhà xây gạch ban đầu được cơi nới, phía trước lên thêm hai tầng và phía sau lên thêm ba tầng. Tuy nhiên, do khả năng chịu tải của nền móng ngôi nhà cũ tương đối hạn chế, khi cơi nới, người dân chỉ sử dụng các cấu kiện được chế tạo từ vật liệu nhẹ như hệ khung thép, tường bao ngoài xây gạch rỗng, vách ngăn bên trong nhà bằng các tấm thạch cao, cửa sổ nhôm kính, tấm sàn bằng ván, mái lợp tấm tôn lượn sóng, … Căn cứ theo các điều lệ xây dựng của Ban Quản lý Khu phố Cổ (đơn vị hành chính quản lý do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội lập ra nhằm bảo vệ và phát triển Khu phố Cổ) đề ra, nhà xây trong Khu phố Cổ có chiều cao không quá bốn tầng ở mặt đường, năm tầng ở khối giữa và sáu tầng ở phía cuối nhà. Gần như toàn bộ nhà ống được cải tạo hoặc xây mới đều chạm ngưỡng tối đa chiều cao tầng hạn định này. Bên cạnh đó, mặt đứng của ngôi nhà trông nổi bật với các tấm biển quảng cáo cỡ lớn, do vậy hình ảnh của Khu phố Cổ đã thay đổi nhiều (Hình 13a và Hình 13b).

Những ngôi nhà xây mới là một ví dụ nữa cho sự biến đổi về mặt hình thái của Khu phố Cổ. Chỉ khi việc xây mới thực sự bức thiết, tất cả các hộ dân trong ngôi nhà đạt được sự nhất trí, cùng nhau đệ trình hồ sơ xin giấy phép xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền, giấy phép xây dựng mới được cấp. Trong hồ sơ xin phép xây dựng đi kèm với đơn, bản thiết kế bắt buộc tuân thủ tất cả các quy định về xây dựng (áp dụng cho mọi công trình trong Khu phố Cổ). Tuy nhiên, trong thực tế, ngôi nhà mới thường được xây to và cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân sinh sống bên trong. Ngôi nhà có thể cao tới sáu tầng ở phía trước và tám tầng ở phía sau, tức là cao hơn hai tầng so với chiều cao tối đa được phép. Theo cách nói của người dân, những ngôi nhà xây cao tầng dựng đứng kiểu này là “nhà tên lửa” (Hình 14a và Hình 14b). Các hộ dân chấp nhận nộp phạt để có được những không gian sinh hoạt rộng rãi và tiện nghi hơn. Việc vi phạm luật theo hình thức này thông thường chỉ bị phạt lần đầu, sau đó sẽ không bị phạt nữa.

Đôi khi có những trường hợp như sau xảy ra: Một hộ gia đình muốn chuyển đến nơi khác sinh sống và bán lại ngôi nhà đang ở. Trong khi đó, hộ hàng xóm liền kề cần có thêm diện tích để mở rộng việc kinh doanh và xúc tiến nhanh việc chuyển giao quyền sở hữu. Hai lô đất cạnh nhau khi đó được nhập làm một mảnh duy nhất, trên đó chủ nhân sau cho xây một căn nhà mới to rộng hơn. Đối tượng quan tâm ở đây hoặc rất giàu có hoặc là một công ty chuyên kinh doanh bất động sản có xu hướng thâu tóm các nhà ống liền nhau để thu lợi từ việc xây dựng một khách sạn mini, một tòa văn phòng cho thuê hoặc một công trình phức hợp. Với những tòa nhà dạng này, chiều cao có thể đạt tới chín tầng. Giữa khối nhà xây mới này với các công trình xung quanh có sự tương phản khá mạnh về kích cỡ, còn về phong cách kiến trúc thì lại càng hiếm khi có sự hòa hợp. Cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những kiểu kiến trúc đối nghịch nhau về mặt tỷ lệ, dù bản thân từng công trình trong phạm vi từng dự án có thể không gặp phải vấn đề gì về mặt chất lượng. Nhiều chuyên gia đã chia sẻ quan điểm rằng sự phát triển này không lành mạnh và cần được kiểm soát chặt chẽ(18) (15a, 15b, 16a, 16b, 16c).

 

5. Kết luận

Sự phân tích dưới góc độ kinh tế và văn hóa xã hội đã cho thấy sự biến đổi của Khu phố Cổ Hà Nội là điều khó tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Làm thế nào để sự biến đổi đó được đưa vào quỹ đạo có kiểm soát? Trong vấn đề này, lợi ích và cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây bắt buộc phải được tôn trọng trước tiên.

Bên cạnh việc bảo tồn các ngôi nhà ống có giá trị còn sót lại trong Khu phố Cổ, cơ quan có thẩm quyền cần lên các kịch bản phát triển trung hạn và dài hạn cho những ngôi nhà kiểu “tên lửa”, cải tạo và chỉnh trang như thế nào cho phù hợp. Mô hình thiết kế đô thị “thấp tầng nhưng mật độ cao” được kiến nghị bởi Ban Quản lý Khu phố Cổ được xem như một giải pháp quan trọng và đúng đắn cần nghĩ tới trước tiên. Bên cạnh việc ấn định rõ ràng chiều cao được phép xây dựng và số lượng khoảng sân trong cần thiết để đảm bảo chất lượng chiếu sáng và thông gió tự nhiên, nên có các đề xuất và kiến nghị chi tiết cho việc tổ chức mặt đứng nhà. Nếu chỉ căn cứ vào việc bố trí các không gian nội thất thì chiến lược này sẽ chưa đầy đủ. Với sự hợp tác cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một cuộc thi thiết kế tìm kiếm các hình mẫu cho nhà ống/nhà phố kinh doanh là một phương thức thích hợp nhằm cân bằng hóa các yếu tố: Nhu cầu ở và nhu cầu kinh doanh, sinh thái và kinh tế, hiện đại và truyền thống. Sự tham dự của người dân vào toàn bộ quá trình quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm nâng cao khả năng được chấp nhận của các đề xuất.

Kiểu nhà ống là một di sản văn hóa của thành phố Hà Nội. Qua đó có thể thấy được nhiều yếu tố tác động lên kiến trúc của những ngôi nhà, bao gồm cả những điều kiện kinh tế xã hội như ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường tự do ngày nay. Yếu tố kinh tế thị trường sản sinh ra những động lực phát triển mâu thuẫn với mục tiêu bảo tồn các giá trị kiến trúc và văn hóa.

Nguyễn Quang Minh
Ảnh: Khánh Toàn / Philliproo

Bài viết được trích từ cuốn sách “Arch+: Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng” do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội và Tạp chí Arch+ thực hiện và phát hành nhân kỷ niệm 70 năm Hội KTS Việt Nam.
Xem thêm bài viết giới thiệu về cuốn sách: Giới thiệu sách ARCH +: “Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng”

Tài liệu tham khảo

  1. Georges Boudarel & Nguyen Văn Kỳ, Hanoi – City of the Rising Dragon, Nhà xuất bản Đại học Oxford 2002, trang 10-11
  2. Nguyễn Vĩnh Phúc, Lê Văn Minh & Nguyễn Minh Tường, History of Thang Long – Hanoi, Hanoi 2005, trang 11-12
  3. Samuel Baron, Bản phác thảo, 1685, Trường Viễn Đông Bác Cổ, Trung tâm Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm lưu trữ
  4. William Dampier, Voyages and Discoveries, London 1688, trang 36
  5. Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume du Tonkin (1672), Revue Indochinoise, Paris 1908, trang 109
  6. Ban Quản lý Khu phố Cổ Hà Nội www.phocohanoi.gov.vn
  7. Pierre Clément, Nathalie Lancret, Hanoi – le Cycle des Métamorphoses, Hà Nội 2002, Trang 61-70 và 234
  8. Bộ Xây dựng, Việt Nam, Quyết định số 70/BXD/QH-KT về việc bảo vệ và bảo tồn Khu phố Cổ Hà Nội, Hà Nội 1995
  9. Như chú thích 7
  10. Phạm Đình Việt, Những ngôi nhà xây chen trong Khu phố Cổ Hà Nội, Đại học Xây dựng, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Xây dựng, Số 5, Hà Nội 2014, trang 47-52
  11. Viện Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng, Bảo tồn Di sản Kiến trúc và Cảnh quan Hà Nội, Hà Nội 1999, trang 19
  12. Phạm Đình Việt, Tube-houses in Hanoi Old Quarter, Hội thảo Kiến trúc giữa Đại học Xây dựng và Đại học Sapienza Roma, Xưởng thiêt kế hàng năm về đề tài Khu phố Cổ và Nhà ống, Hà Nội 2015
  13. Vũ Anh Tú, Bảo tồn và phát huy kiến trúc Khu phố Cổ Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn số 3 (2012), Hà Nội 2012, trang 278-287
  14. Nguyễn Quang Minh, Survey: Khu phố Cổ Hà Nội và Nhà ống, Hà Nội 2015-2016, nghiên cứu cá nhân chưa công bố
  15. Báo Dân trí – phiên bản quốc tế Land in Hanoi Old Quarter over 1 billion VND per square metre, đường dẫn http://dtinews.vn/en/news/018/37564/land-in-hanoi-old-quarter-over-vnd1-billion-per-square-metre.html trích xuất ngày 17/10/2016
  16. Như chú thích 7
  17. Như chú thích 15
  18. Như chú thích 13

Chia sẻ trang này

Gọi ngay  (024)7300.2233
  • Để có căn hot, giá tốt
  • Giá chính xác từ chủ đầu tư cho từng căn
  • Được tư vấn lựa chọn các gói vay có lãi suất thấp nhất, thời gian vay dài nhất
Đừng bỏ lỡ những tin tức mới nhất
về các dự án mà bạn đang quan tâm
  • Cập nhật chính sách và tiến độ dự án
  • Bản vẽ mặt bằng căn hộ
  • Hợp đồng mẫu của chủ đầu tư
  • ... và nhiều tài liệu hữu ích khác
Bằng cách nhấn Hoàn tất đăng ký, bạn xác nhận đã đọc và đồng ý với Chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân của chúng tôi!